Sự phát triển của nhựa tổng hợp hay còn gọi là chất dẻo, bắt đầu bằng việc sử dụng các vật liệu tự nhiên có tính chất dẻo như cao su, được lấy từ nhựa cây.
Năm 1872, loại nhựa sản xuất công nghiệp đầu tiên được đưa ra thị trường với tên gọi Bakelite. Chúng cách điện khá tốt nên đã nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp điện đang phát triển lúc bấy giờ.
Khi nhà hóa học người Đức, Hermann Staudinger phát minh ra hóa học polyme vào khoảng năm 1920, thời đại của nhựa đã được bắt đầu. Vào khoảng năm 1930, nylon, teflon, silicone và phiên bản cao su nhân tạo đầu tiên xuất hiện.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, việc bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã trở thành ưu tiên của mọi quốc gia. Do đó, các giải pháp thay thế cho các nguồn tài nguyên này đã được ưu tiên sản xuất. Nghiễm nhiên chất dẻo trở thành lựa chọn thay thế số một. Nylon vào thời điểm đó như một phát minh kỳ diệu, một ngôi sao mới, được sử dụng để sản xuất dù, dây thừng và mũ bảo hiểm.
Những năm 1960, sự hào hứng ban đầu về loại vật liệu mới này đã bắt đầu đan xen những mối lo ngại, khi mà rác thải nhựa đã được bắt gặp xuất hiện trên đại dương. Những quan ngại về ô nhiễm môi trường bởi việc sử dụng quá nhiều đồ nhựa tăng dần trong những năm sau đó.
Kể từ năm 1990, các nghiên cứu chuyên sâu đã được tiến hành để tìm ra những loại nhựa có thể phân hủy. Cũng từ thời điểm này, một cuộc chiến vô hình âm thầm diễn ra, giữa một bên là những người ủng hộ nhựa, mà dẫn đầu không ai khác hơn là những công ty hóa dầu. Và một bên là phe phản đối, được dẫn dắt bởi các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.
Tất cả họ đều có những lập luận riêng để bảo vệ quan điểm. Và chúng đều có vẻ rất hợp lý, theo chiều hướng mà họ muốn nói đến.
Vậy nhựa thực sự có lợi hay có hại, tính cần thiết của việc giảm thiểu sản xuất nhựa?
Công bằng mà nói, nhựa có thể xem như một trong những phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Chúng tỏ ra nổi trội hơn hẳn so với những vật liệu khác trong quá khứ, và thật khó có thể hình dung một cuộc sống hiện đại mà không có sự hiện diện của nhựa. Ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô, máy bay, điện thoại, máy tính... tất cả sẽ không xuất hiện nếu không có nhựa.
Bên cạnh việc chưa có loại vật liệu nào có thể thay thế nhựa, các nhà sản xuất nhựa cũng cho rằng các vấn đề môi trường mà nhân loại đang gặp phải hoàn toàn là do ý thức của con người. Rác thải nhựa vất bừa bãi và không được phân loại khiến cho việc tái chế sau tiêu dùng là vô cùng khó khăn. Bản thân nhựa nhiệt dẻo có thể được tái chế hoàn toàn, và chúng cũng rất có giá trị. Nhựa phế liệu sạch, không lẫn tạp chất luôn luôn có nhu cầu rất lớn.
Độ bền là ưu điểm lớn nhất của nhựa, nhưng cũng là một lời nguyền, khi mà chúng quá khó khăn để có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Nhưng không chỉ riêng mình chúng là có những đặc điểm này. Dầu mỏ, than đá là những thứ tạo nên nhựa, hay các mỏ kim loại cũng đã tồn tại hàng triệu năm mà không bị phân hủy. Việc chỉ có mỗi nhựa bị cho là thảm họa với môi trường được các nhà sản xuất nhựa cho là thiếu công bằng.
Khái niệm phân hủy trong tự nhiên gần như ám chỉ đến sự thối rữa. Quá trình tiến hóa đã tạo nên các loài vi khuẩn ăn xác của động thực vật, cỏ cây để chuyển hóa thành năng lượng. Nhưng nhựa mới chỉ xuất hiện gần đây, và để có thể xuất hiện một loài vi khuẩn có thể tiêu hóa chúng thì tạo hóa có thể mất đến hàng triệu năm. Không có gì đảm bảo trong tương lai sẽ không có loài vi sinh vật nào như vậy. Nhiều nhà khoa học cũng bắt đầu nghiên cứu giải pháp bảo vệ môi trường theo hướng tạo ra các loài vi khuẩn có thể tiêu hóa được nhựa, và một vài trong số họ cũng đã đạt được một số thành công nhất định.
Quá trình sản xuất nhựa tiêu hao nhiều năng lượng và xả thải ra môi trường nhiều hơn hầu hết các vật liệu còn lại. Nhưng ở một góc nhìn khác, nếu tạo ra những sản phẩm bằng những vật liệu thay thế với hiệu năng tương đương với nhựa, có thể sẽ còn tiêu tốn tài nguyên nhiều hơn. Lấy một ví dụ, sản xuất nhựa tiêu tốn lượng nước nhiều gấp 10 lần thủy tinh. nhưng một chai nước thủy tinh nặng 1 kg chỉ có thể đựng được tối đa 3 lít nước. Trong khi đó với 1 kg nhựa, người ta có thể sản xuất những chai nhựa với thể tích chứa đựng gấp 30 lần như vậy. Vì lý do này mà mọi so sánh về tác hại với môi trường giữa các loại vật liệu đều có thể trở nên khập khiễng.
Có thể thấy, những nhà sản xuất nhựa luôn trình bày những quan điểm hợp lý để bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng ở bên kia chiến tuyến, những người đưa ra yêu cầu giảm sản xuất nhựa cũng có những lập luận vững chắc và những bằng chứng vô cùng thuyết phục.
Nhựa đã được tìm thấy trong ruột của những sinh vật sống dưới đáy biển sâu, hạt vi nhựa cũng xuất hiện ở những nơi hẻo lánh nhất trên thế giới. Quá trình sản xuất nhựa từ bước chưng cất dầu mỏ tới các nhà máy cracking, các lò phản ứng trùng hợp đều tiêu thụ nguồn nhiệt năng rất lớn, đồng thời xả ra môi trường lượng khí nhà kính khổng lồ.
Trong khi tác động của ô nhiễm nhựa đối với sinh vật biển đã được ghi chép đầy đủ, các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu đo lường tác động của nhựa đối với sức khỏe và khả năng sinh sản của con người, hệ sinh thái đất, cây trồng và các loại thực vật. Hạt vi nhựa với kích thước rất nhỏ, đã lần đầu tiên được phát hiện trong phân người năm 2018. Tháng 3 năm 2022, chúng được tìm thấy trong phổi và máu người! Chúng xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua thực phẩm, nước uống và thậm chí cả không khí mà chúng ta hít thở. Khi khối lượng vi nhựa trong cơ thể tích lũy theo thời gian, sẽ có rất nhiều lý do để lo lắng.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng hơn 7 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn thế giới. Trong số đó chỉ có 9% có thể đã được tái chế, 12% đã được đốt và phần còn lại nằm trong các bãi chôn lấp, vẫn đang được sử dụng hoặc đã trôi nổi ra ngoài môi trường. Trên toàn cầu, khoảng 1/4 rác thải nhựa không bao giờ được thu gom. Ở các quốc gia kém phát triển, nhựa thải đôi khi được đốt ngoài trời, giải phóng các hóa chất độc hại vào không khí.
Tốc độ tăng trưởng sản xuất nhựa đang vượt xa khả năng của con người trong việc thu gom rác thải nhựa. Đáp lại những lời kêu gọi, rất nhiều hiệp ước về cắt giảm khí thải nhà kính, những lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần đã được ban bố tại nhiều quốc gia. Nhưng chỉ như vậy là chưa đủ để giải quyết tất cả các mối nguy cơ từ ô nhiễm nhựa.
Và các chuyên gia đã đưa ra một khuyến nghị đơn giản hơn để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, đó là ngừng việc sản xuất quá nhiều nhựa. Không tạo ra chất thải ngay từ đầu là điều tốt nhất bạn có thể làm cho môi trường. Một nghiên cứu từ The Pew Charitable Trusts và SYSTEMIQ kêu gọi giảm 11% sản xuất nhựa nguyên sinh. Họ lập luận rằng có đủ nhựa phế thải có thể được tái chế để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, có một vấn đề là nhựa nguyên sinh được tạo ra từ khí tự nhiên hoặc dầu mỏ quá rẻ để sản xuất, làm suy yếu hiệu quả kinh tế của thị trường nhựa tái chế. Việc sản xuất một mẻ nhựa mới đơn giản là ít tốn kém hơn, so với một loạt các công đoạn thu thập, phân loại, xử lý và loại bỏ chất bẩn, tái chế rác thải nhựa.
Đặc biệt là bây giờ, với sự sụp đổ của giá dầu, nhựa dường như lại trở thành công cụ để khiến cho dòng chảy của dầu mỏ trong các nền kinh tế không hề bị suy giảm. Các nhà máy hóa dầu đơn giản chỉ cần giảm sản lượng dầu khi giá giảm, tập trung vào sản xuất các chế phẩm khác, trong đó có nhựa.
Và với thực trạng như vậy, viễn cảnh cắt giảm mạnh sản lượng sản xuất nhựa trong tương lai gần khó có thể trở thành hiện thực.
Giảm tiêu thụ đồ nhựa dùng một lần là một giải pháp hữu hiệu
Vẫn còn các lựa chọn khác để giảm thiểu tác hại của nhựa tới môi trường như: sử dụng nhựa sinh học hay nhựa phân hủy sinh học, phát triển các phương thức thu gom và tái chế hiệu quả hơn, giảm việc tiêu thụ đồ nhựa dùng một lần... Làm được tất cả những điều này, có lẽ hành tinh của chúng ta vẫn còn cơ hội.
Khi nói đến việc giảm tiêu thụ nhựa ở mức độ cá nhân, tất cả những gì chúng ta có thể làm bao gồm từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Bạn có thể từ chối sử dụng những túi hay hộp nhựa mang đi tại các cửa hàng, và thay vào đó là túi vải hoặc giấy mà bạn đã đem theo từ trước. Nếu như việc sử dụng chúng là không thể tránh khỏi, hãy hạn chế số lần bạn làm việc đó đến mức thấp nhất. Hãy tái sử sụng đồ nhựa khi còn có thể và phân loại chúng cho việc tái chế.
Nếu như bạn có con nhỏ, dạy bọn trẻ về những khái niệm này là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm.
Có rất nhiều cách đơn giản để giảm mức tiêu thụ nhựa cá nhân, hãy xem qua một vài ví dụ mà bạn có thể đóng góp tích cực:
- Luôn mang theo một chai nước có thể tái sử dụng khi bạn rời khỏi nhà và từ chối nước đóng chai trong nhà hàng. Giữ một chai nước trong xe của bạn để dành cho trường hợp khẩn cấp.
- Khi bạn khát nước, đừng với lấy một chai nước bằng nhựa. Thay vào đó, hãy với lấy một chiếc cốc trong tủ và đổ đầy nước từ vòi của bạn. Nếu thỉnh thoảng bạn cần sử dụng chai nhựa, đừng vứt chúng đi mà hãy phân loại và bán cho những người thu gom phế liệu. Bằng cách này, chúng chắc chắn sẽ được tái chế.
- Và khi bạn không còn muốn sử dụng một món đồ bằng nhựa nữa, hãy quyên góp nó cho tổ chức từ thiện hoặc tặng nó cho bạn bè. Rất nhiều đồ dùng, đồ chơi và linh kiện bằng nhựa có thể tái chế được. Để chắc chắn hơn về điều này, bạn chỉ cần tìm biểu tượng phân loại hay biểu tượng tái chế nhựa thường được in, dập nổi trên món đồ.
- Để giúp giảm lãng phí nhựa dùng cho bao bì, hãy chọn mua từ những nhà cung cấp có sứ mệnh và tầm nhìn tương tự. Có rất nhiều những thương hiệu xem việc sử dụng những loại túi nhựa phân hủy sinh học như một cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.