Giảm thiểu ô nhiễm: hiểu đúng hơn về nhựa sinh học và nhựa phân hủy sinh học

20/03/21

Tìm hiểu những gì bạn có thể làm để giảm lượng sản phẩm nhựa sử dụng một lần của riêng bạn và làm cách nào để thực hiện cam kết này.

 

 

Chỉ có 50% hộ gia đình ở Mỹ có bộ thùng rác phân loại rác thải đặt ở lề đường, vậy làm thế nào để những người tái chế nhựa có thể tiếp cận với vật liệu này. Ít hơn 5% nhựa ở Mỹ được tái chế. Phần còn lại được chôn lấp, đốt hoặc xuất khẩu. Tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn rất nhiều ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Năm 2017, khoảng một tỷ tấn rác thải nhựa đã được gửi đến Trung Quốc và Hồng Kông, cùng năm đó Trung Quốc cho biết họ sẽ không tiếp nhận các chuyến hàng này nữa.
Vì vậy, hiện nay các chuyến tàu chở nhựa phế thải của Mỹ sẽ đến các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia, nơi hầu hết rác thải được quản lý sai phương pháp. Và lượng nhựa được đốt ở Mỹ năm 2018 nhiều hơn gấp 6 lần so với lượng nhựa được tái chế. Nhựa cháy tạo ra CO2 và có thể giải phóng chất độc .

các nước Đông Nam Á trở thành nơi tập kết rác thải nhựa cho các nước phát triển trong suốt một thời gian dài
các nước Đông Nam Á trở thành nơi tập kết rác thải nhựa cho các nước phát triển trong suốt một thời gian dài

Chúng ta thật sự cần một cuộc thảo luận sâu rộng trên toàn thế giới về cách giải quyết vấn đề rác thải từ nhựa

Có rất nhiều thuật ngữ về nhựa trong ngành công nghiệp bao bì. Ví dụ như tỷ lệ có thể tái chế, nhựa nguyên sinh và nhựa tái sinh, nhựa có nguồn gốc sinh học và thực vật, cho đến các loại nhựa có thể phân hủy sinh học và có thể làm phân trộn. Trên thế giới, cách phân loại này được sử dụng thường xuyên, nhưng nhiều người tiêu dùng, và cả nhiều công ty đóng gói cũng không hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của từng cụm từ, những cách phân loại này.
Tiến sĩ Ashlee Jahnke, giám đốc nghiên cứu của công ty chuyên về polycarbonate tự nhiên, Teysha Technologies, giải thích sự phân loại và tính bền vững của nhựa trong ngành bao bì.
Mặc dù phần lớn thế giới đã bắt đầu quan tâm vấn đề rác thải nhựa trong những năm gần đây và các cuộc thảo luận đã bắt đầu ở mọi cấp độ, từ người tiêu dùng đến các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên nhiều thuật ngữ trong các cuộc trò chuyện này dường như vẫn gây ra sự nhầm lẫn. Các nhãn phân loại nhựa như "có nguồn gốc sinh học" và "có thể phân hủy sinh học" có vẻ tương đối dễ hiểu, nhưng những thuật ngữ này thật ra khá mơ hồ và được định nghĩa lỏng lẻo.

Lấy ví dụ như nhựa có nguồn gốc sinh học

Cụm từ này có thể được hiểu như chúng là chất tạo màng sinh học, hoặc thậm chí cụ thể hơn là dựa trên thành phần nguyên liệu của chúng. Ví dụ như nhựa làm từ tinh bột hoặc cellulose. Sau đó, chúng ta phải tính đến định nghĩa lỏng lẻo của những loại nhựa được coi là có nguồn gốc sinh học. Nhiều nhà máy nhựa áp dụng thuật ngữ này cho sản phẩm của họ ngay cả khi chúng chỉ có một phần nhỏ trong thành phần có nguồn gốc từ các nguồn sinh học.
Polyethylene terephthalate (PET) là một ví dụ điển hình cho điều này. Bio-PET là một trong những loại nhựa sinh học phổ biến nhất được sử dụng cho chai lọ, cũng như hộp đựng có thể nấu trong lò vi sóng và bao bì mỹ phẩm. Tuy nhiên, thật ra có ít hơn một phần ba thành phần của Bio-PET có nguồn gốc từ sinh học. Phần lớn đến từ axit terephthalic (TA), hoặc các hóa chất có nguồn gốc từ TA như dimethyl terephthalate (DMT).
TA thì lại là là một hóa chất công nghiệp được tổng hợp từ hydrocacbon p-xylen, được sản xuất bằng dầu mỏ!
Khi các vật liệu như vậy được phân loại là nhựa sinh học, không có gì ngạc nhiên khi có sự nhầm lẫn xung quanh các thuật ngữ trong nhựa. Và trên thực tế, người tiêu dùng vô cùng bối rối về ý nghĩa của việc "có nguồn gốc sinh học", "phân hủy" và "phân hủy sinh học”.
Chúng ta hoàn toàn có thể lo ngại rằng sự nhầm lẫn như vậy có thể dẫn đến việc giảm hiệu quả của hoạt động quản lý chất thải nhựa. Và chúng ta cũng cần các nhà cung cấp bao bì đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, việc đầu tiên phải nhắc đến chính là các công ty bao bì phải hiểu đầy đủ về loại nhựa mà họ đang lựa chọn và sử dụng.

Hiểu đúng hơn về nhựa sinh học và nhựa phân hủy sinh học

Nhựa sinh học nghĩa là gì

Nhựa sinh học, hoặc nhựa gốc sinh học, có thể dễ dàng được hiểu là là chất dẻo được làm từ nguyên liệu sinh học chứ không phải dầu mỏ. Tuy nhiên, làm từ nhiên liệu sinh học không đồng nghĩa với thân thiện hoặc bền vững với môi trường. Ví dụ về loại nhựa Bio-PET ở phần trên đã nói khá rõ về điều này.
Có nhiều loại nhựa sinh học khác nhau, từ polyme làm từ tinh bột như axit polylactic (PLA) đến polyeste do vi sinh vật tạo ra như polyhydroxyalkanoate (PHA). Mỗi loại đều có ưu khuyết điểm riêng và có nhiều cách để ứng dụng cho phù hợp với nhiều loại sản phẩm khác nhau. Không có một quy tắc chung nào về tính ứng dụng của các chất tạo màng sinh học cho sản phẩm. Đôi khi yếu tố để quyết định lựa chọn chất liệu nào lại không dựa trên đặc tính mà dựa vào giá thành, xu hướng của thị trường, thậm chí là cả sở thích cá nhân! Khoa học kỹ thuật càng phát triển, càng nhiều loại vật chất xuất hiện thì càng tăng thêm khó khăn và phức tạp cho các công ty đóng gói. Rất hiếm các công ty bao bì có đủ khả năng đáp ứng đầy đủ các loại nguyên vật liệu sản xuất, theo đúng yêu cầu của khách hàng.
Một phần cốt lõi của sự phức tạp này xảy ra khi các phế phẩm nhựa sinh học cần được xử lý. Chúng không thể thể dễ dàng tái chế theo cùng một cách giống với các sản phẩm nhựa gốc hóa dầu. Các loại nhựa sinh học sẽ cần phải được đốt, xử lý ở bãi chôn lấp hoặc chở đến một cơ sở ủ công nghiệp có đủ tiêu chuẩn để tái chế chúng thành những sản phẩm sinh học khác.
Nhựa sinh học là một phân loại đa dạng, nên thuật ngữ này bao gồm một loạt rất nhiều các sản phẩm với nhiều thuộc tính khác nhau. Và cũng chính vì sự rối rắm này mà các nhà sản xuất bao bì nhựa và các sản phẩm nhựa trước nay vẫn có quan điểm hơi tiêu cực về loại vật chất này. Và họ cũng cho rằng những vật liệu này thiếu tính linh hoạt cần thiết về cơ học, hóa học và nhiệt học để có thể thay thế các loại nhựa thông thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự phát triển như vũ bão trong lĩnh vực này đã xóa tan lầm tưởng, và nhựa sinh học đã dần chứng minh được rằng chúng thực sự rất linh hoạt trong hiệu suất.

những chai nhựa được quảng cáo rằng có thể phân hủy sinh học
những chai nhựa được quảng cáo rằng có thể phân hủy sinh học

Nhựa phân hủy sinh học

Như đúng cái tên của chúng, nhựa phân hủy sinh học là các polyme có thể phân hủy dễ dàng trong môi trường tự nhiên, trong một khoảng thời gian hợp lý. Điều này giúp chúng không gây hại cho môi trường và giảm bớt rất nhiều chi phí trong việc xử lý chất thải.
Cụm từ đáng nói đến ở đây là "trong một khung thời gian hợp lý". Bởi vì ngay cả loại nhựa sinh học tốt nhất cũng phải mất một thời gian cũng rất lâu để có thể phân hủy. Chỉ là quá trình này diễn ra nhanh hơn so với các loại nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ mà thôi.
Về mặt lý thuyết, tất cả các loại nhựa đều có thể bị phân hủy trong môi trường tự nhiên do tiếp xúc lâu dài với các yếu tố như bức xạ, tia cực tím và quá trình oxy hóa. Tuy nhiên, những chất dẻo này lại phân mảnh thành vi nhựa thay vì phân hủy thành vật liệu cơ bản. Đây chính là điều làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng.

Một loại vật liệu nhựa thực sự có thể phân hủy sinh học sẽ phân hủy theo ba giai đoạn: thoái hóa sinh học, phân hủy sinh học và đồng hóa. Đầu tiên, liên kết của vật liệu bị yếu đi, các tính chất vật lý, cơ học và hóa học của nó bị thay đổi. Sau đó, các liên kết của vật liệu bị phá vỡ, khiến nó phân mảnh thành các đơn vị nhỏ hơn như monome. Cuối cùng, những mảnh vỡ này được tiêu thụ một cách an toàn bởi các vi sinh vật theo thời gian.
Tuy nhiên, cũng giống như tình trạng của khái niệm nhựa sinh học, nhựa phân hủy sinh học cũng có rất nhiều những vấn đề phức tạp trong việc xác định chúng.
Không hoàn toàn rằng tất cả nhựa sinh học đều có thể phân hủy sinh học. Và ngược lại, có những loại nhựa dễ phân hủy sinh học nhưng lại hoàn toàn không phải là nhựa sinh học. Có thể nói rằng những gì chúng ta vẫn thường được nghe, về những khái niệm mới này vẫn là sự thật, nhưng chưa được nói lên đầy đủ.
Polybutylen adipate terephthalate (PBAT) là ví dụ điển hình của một loại nhựa được phân tách từ nhiên liệu hóa thạch nhưng lại có thể phân hủy sinh học. Nó là một chất đồng trùng hợp - quá trình kết hợp của hai hay nhiều monome khác nhau để tạo thành polyme.
PBAT được sử dụng như một chất thay thế có thể phân hủy sinh học cho polyethylene mật độ thấp (LDPE) vì nó có các đặc tính tương tự. Vật chất này có thể phân hủy trong vòng 90 ngày kể từ khi tiếp xúc với môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, quá trình phân hủy này lại có thể giải phóng các hợp chất có hại vào hệ sinh thái. Mặc dù vậy, khả năng phân hủy sinh học của PBAT đã khiến một số tổ chức xếp nó vào nhóm nhựa sinh học!

một nhà máy ủ chất thải sinh học
một nhà máy ủ chất thải sinh học

Vậy, giải pháp nào là khả thi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường giữa muôn trùng khái niệm?

Trong mọi trường hợp, bao bì nhựa sinh học hoặc phân hủy sinh học phải được xác định rõ ràng cho người tiêu dùng, kể cả về thành phần lẫn cách mà chúng được phân hủy. Việc này có thể thực hiện một cách cụ thể bằng một hướng dẫn được thông báo tới khách hàng hoặc in ấn ngay trên nhãn mác.
Thiếu đi động thái này, người tiêu dùng sẽ có xu hướng xử lý những loại nhựa này bằng một
quy trình tái chế nhựa thông thường. Và kết quả tất yếu là hiệu quả sẽ không như mong muốn, thậm chí còn có thể gây ra một số rắc rối.
Người tiêu dùng cần được biết sản phẩm của mình có phải là loại có thể phân hủy trong tự nhiên mà không tiết ra các chất gây hại, hay là phải đưa tới các nhà máy ủ phân công nghiệp, hoặc bất kỳ một quy trình nào khác.
Ở Châu Âu, bao bì nhựa dán nhãn phân hủy sinh học phải tuân theo tiêu chuẩn EN 13432, "phân hủy sau 12 tuần và phân hủy hoàn toàn sau sáu tháng". Với tiêu chuẩn này, sẽ có hơn 90% thành phần của vật liệu nhựa sẽ được chuyển đổi thành CO2.
Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện tại, có không ít những sản phẩm bao bì có thể đạt tới tiêu chuẩn này. Hoặc ít ra là được dán nhãn rõ ràng cụ thể, cách mà sản phẩm của họ tác động tới môi trường và quy trình xử lý rác thải đúng cách.
Tuy nhiên đó là câu chuyện của những loại bao bì đơn giản với chỉ duy nhất một chất liệu.
Các công ty bao bì nhựa đóng gói phải đối mặt với một thách thức lớn hơn nhiều, đó là những loại bao bì màng ghép. Loại bao bì này gồm nhiều lớp polyme kết hợp với nhau, mỗi lớp lại có đặc tính và nhiệm vụ cụ thể. Sự kết hợp này là cần thiết để đem lại hiệu suất sử dụng như mong muốn.
Và để đạt được đúng như tiêu chuẩn phân hủy sinh học thì tất cả các lớp polyme này đều phải có thể phân hủy theo cùng một cách, ở cùng một điều kiện môi trường. Mục tiêu này quả thật vô cùng khó khăn để có thể thực hiện.
Ngay cả ở một tiêu chuẩn thấp hơn là có thể dễ dàng tái chế thì vẫn có rất ít nhà máy được trang bị đầy đủ để xử lý loại bao bì màng ghép này.
Đây đã và vẫn sẽ là một vấn đề đang diễn ra, trừ khi có sự đồng nhất hay tiêu chuẩn sinh học nào đó cho các loại polyme được sử dụng để sản xuất loại bao bì đặc biệt này. Ví dụ như mỗi lớp polyme cấu thành nên sản phẩm đều có thể phân hủy sinh học, thì vấn đề đã được giải quyết một cách hiệu quả. Nếu như xuất hiện một tiêu chuẩn chung như vậy thì phần việc của các nhà sản xuất chỉ là nghiên cứu cách thức phối hợp các loại polyme này với nhau để đem lại hiệu suất cao nhất cho bao bì đóng gói.

Lời kết

Trong nhiệm vụ chung của thế giới là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhựa sinh học, nhựa phân hủy sinh học và nhựa có thể tái chế đều là những phát minh tuyệt vời. Tuy nhiên đây có thể là một điểm yếu chết người cho các công ty đóng gói và cả người tiêu dùng. Có rất nhiều thuật ngữ và vùng nhận biết chưa được rõ ràng.
Để áp dụng một cách hiệu quả thì bước đầu tiên là phải hiểu và nắm rõ về chúng.
Trong tương lai gần, nhu cầu cấp thiết là phải tìm ra một loại vật liệu đáp ứng các yêu cầu về hiệu suất của bao bì, trong từng giai đoạn vòng đời của chúng. Hy vọng là với mức phát triển của khoa học hiện tại, điều này sẽ không quá phức tạp.

 

Các chứng nhận phân hủy sinh học của châu Âu, Mỹ, Nhật lần lượt từ trái qua phải
Các chứng nhận phân hủy sinh học của châu Âu, Mỹ, Nhật lần lượt từ trái qua phải




 

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI SẢN XUẤT BAO BÌ KHANG LỢI
Địa chỉ: A5/43C đường 1A, Xã Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh | Hotline: 0902409906 | Email: baobikhangloi@gmail.com
2020 Copyright Bao Bì Khang Lợi facebook twitter instagram Google map Youtube DMCA.com Protection Status