Nhựa là nguyên liệu quen thuộc để sản xuất gần như tất cả mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày của con người, từ đồ gia dụng, bao bì, đồ điện tử, đồ chơi trẻ em đến các thiết bị khoa học công nghệ, ô tô, xe máy....Các doanh nghiệp sản xuất đồ dùng, các xưởng bao bì nhựa hay các công ty sản xuất các chi tiết, linh kiện từ vật liệu này dường như đã quá quen thuộc với khái niệm “hạt nhựa”.
Tìm hiểu về hạt nhựa
Vậy hạt nhựa thật ra là gì?
Hạt ở đây chính là nói đến hình thể của loại nguyên liệu này. Chúng thường có dạng hạt nhỏ, kích cỡ tương đương với hạt gạo. Dạng hạt mịn này sẽ dễ vận chuyển và đóng gói hơn. Hạt nhựa là nguyên vật liệu để sản xuất tất cả các sản phẩm nhựa. Ở dạng nguyên chất thì đây là loại vật liệu không mùi, không vị, không độc hại, có màu trong suốt, nhưng trong quá trình sản xuất, người ta thường pha trộn hạt nhựa với các hạt tạo màu để tạo ra thành phẩm có đầy đủ màu sắc.
Khi sản xuất các sản phẩm từ nhựa, hạt nhựa được nung chảy và tạo hình bằng các phương pháp như thổi, đúc, đùn, kéo sợi....
Tuỳ thuộc vào đặc điểm và từng tính chất riêng mà mỗi loại hạt nhựa có những tính ứng dụng khác nhau. Do đó khi sản xuất người ta dựa vào những đặc điểm này mà để lựa chọn loại hạt nhựa phù hợp.
Hạt nhựa được tạo ra như thế nào?
Dựa theo quy trình sản xuất mà người ta phân nhựa thành 2 loại là nhựa nguyên sinh và nhựa tái sinh. Nhựa nguyên sinh là sản phẩm nhựa được tạo ra từ quá trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ. Hạt nhựa nguyên sinh khi chưa qua sử dụng thường có màu trắng tự nhiên, khi đã được đưa vào sử dụng thì tuỳ vào nhu cầu người ta sẽ pha thêm hạt tạo màu để có được màu sắc như mong muốn. Đây là loại sản phẩm tinh khiết, đa phần không màu, không mùi và không độc hại.
Nhựa tái sinh là nhựa được sản xuất, tái chế lại từ các loại nhựa thu gom. Các loại nhựa thu gom được phân loại và tái chế riêng theo từng quy trình khác nhau. Sau khi được xử lý loại bỏ các tạp chất, nhựa được nghiền nhỏ, làm sạch, làm khô và nung chảy. Ở nhiệt độ tan chảy, nhựa chuyển sang trạng thái lỏng và được chuyển qua máy đùn thành dạng sợi, sau đó chặt nhỏ thành dạng hạt để tiếp tục đưa vào các quy trình sản xuất khác.
Các loại hạt nhựa trên thị trường
1. Hạt nhựa nguyên sinh
Nhựa nguyên sinh bao gồm một số loại nhựa như PE, PP, PVC, ABS, PA, PMMA,... Đây đều là những loại nhựa nguyên chất, không pha tạp, không thêm chất phụ gia.
Đặc tính của nhựa nguyên sinh là mềm, dẻo, có độ đàn hồi lớn, chịu được cong vênh và áp lực. Thành phẩm của nhựa nguyên sinh là có thẩm mỹ khá cao do bề mặt bóng, mịn và màu sắc tươi sáng. Hạt nhựa nguyên sinh thường được dùng để sản xuất các mặt hàng có giá trị, hoặc các sản phẩm đòi hỏi an toàn và có kỹ thuật cao như: thiết bị y tế, linh kiện máy bay, ô tô,....
-
Hạt nhựa nguyên sinh PE
Trong các loại hạt nhựa nguyên sinh hiện nay, nhựa PE chính là một trong những nguyên liệu an toàn nhất đối với sức khỏe con người. Chúng hoàn toàn không độc hại và hoàn toàn có thể dùng để chứa đựng thực phẩm.
Hàng năm, có trên 60 triệu tấn nhựa PE đã được tiêu thụ, phần lớn trong số đó được dùng để sản xuất bao bì nhựa. Nhựa PE được ưa chuộng như vậy là nhờ vào các tính năng vượt trội của nó.
Nhựa PE trong suốt, có hơi ánh mờ, bề mặt bóng láng và có tính mềm dẻo. Nhựa PE không dẫn điện, không dẫn nhiệt, không cho nước và không khí thấm qua. Tuy nhiên, nhựa PE lại dễ bị căng phồng và hư hỏng khi tiếp xúc với tinh dầu thơm hoặc các chất tẩy. Dù ở nhiệt độ cao, nhựa PE cũng không thể hoà tan trong nước, các loại rượu béo, aceton hay các loại dầu thảo mộc.
Tuy đều thuộc họ PE nhưng mỗi loại nhựa PE lại có một công dụng khác nhau. Chẳng hạn, LDPE thường được dùng để sản xuất găng tay, màng co, bao bì bọc hàng hoặc được sử dụng như một thành phần tham gia quá trình biến đổi của chất dẻo khác.
Trong khi nhựa HDPE là nguyên liệu chính để sản xuất màng nhựa, ống, dây và cáp điện. Ngoài ra, hạt nhựa HDPE còn được dùng để sản xuất đồ dùng bằng nhựa, các loại can, thùng nhựa ...
-
Hạt nhựa nguyên sinh PP
Polypropylene (PP) là một loại nhựa cứng và an toàn, có khả năng chịu nhiệt cao nhất, từ 130 độ C đến 170 độ C, do đó được ứng dụng rộng rãi trong chế tạo các hộp đựng thực phẩm, đặc biệt là các loại hộp thực phẩm có thể dùng trong lò vi sóng. Nhựa PP có màu trắng, trong suốt, thường được dùng trong việc sản xuất các hộp sữa chua, chai đựng nước lọc, lọ đựng thuốc, các lọ gia vị hay ống hút,...
Trên thị trường, nhựa PP cũng là một trong những loại nhựa an toàn và vô cùng phổ biến, vì thế không khó để tìm được những sản phẩm sản xuất từ chất liệu này.
Nhựa PP cũng được tạo thành sợi để dệt thành bao bì đựng lương thực, ngũ cốc...
Ngoài ra, chúng ta có thể bắt gặp những sản phẩm làm từ nhựa PP như chai đựng nước, bình sữa cho bé, hộp bảo quản thực phẩm, đồ chơi cho bé,... bởi chất liệu này vô cùng an toàn.
-
Hạt nhựa nguyên sinh PVC
Có tên khoa học là polyvinyl clorua, loại nhựa này có thể gặp ở các sản phẩm như: áo mưa, vật liệu xây dựng, mành nhựa hoặc hộp nhựa, màng co, các loại chai, bình bằng nhựa, các loại màng plastic bọc thức ăn, chai đựng dầu ăn, đường ống dẫn nước, vỏ bọc dây cáp điện,... Nhựa PVC giá rẻ, có độ dẻo cao, song chỉ chịu được nhiệt độ 81 độ C. Khi phân huỷ, nhựa PVC thường thải ra các hoá chất độc hại vào không khí, nước, đất. Do vậy, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người và thậm chí có thể gây ung thư.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ - EPA, Cơ quan về các chất độc hại và đăng ký bệnh - ATSDR - trực thuộc chính phủ Mỹ, thì PVC được cho là không nên sử dụng để đựng thực phẩm bởi các chất phụ gia phatalates và bisphenol A có tác động xấu đến gan, thận và hệ sinh dục của con người.
2. Hạt nhựa tái sinh
Nhựa tái sinh có giá thành rẻ hơn nhựa nguyên sinh nên được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống như: bàn ghế nhựa, pallet kê đồ, các vật dụng giả gỗ, cốp pha nhựa,... Tái sinh nhựa là công nghệ và thành quả tuyệt vời trong tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Nhựa tái sinh được dùng làm nguyên liệu sản xuất trong rất nhiều lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, môi trường,... Các loại nhựa tái sinh chủ yếu trên thị trường là: HDPE, ABS,...
Hiểu thêm về khái niệm hạt nhựa tái sinh
Nhựa tái sinh được định nghĩa là nguyên liệu hữu cơ tổng hợp rắn, vô định hình được tái chế bởi các sản phẩm nhựa đã được sử dụng. Để phân biệt các loại nhựa tái sinh, ta phải phân chia nhựa thành nhiều loại dựa vào cấu trúc hoá học, tính chất vật lý và tính năng sử dụng hay phương thức hoá học tổng hợp nên hợp chất ban đầu.
Việc tái chế nhựa giúp giảm chi phí rất nhiều về nguyên liệu, đồng thời giảm thiểu được ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên chất lượng của sản phẩm làm từ hạt nhựa tái sinh đương nhiên không thể bằng được so với nhựa nguyên sinh, hơn nữa các đặc tính hóa học ban đầu của vật liệu cũng không được bảo đảm.
Quy trình tái chế hạt nhựa
Có 2 cách tái chế hạt nhựa cơ bản, đó là tái chế cơ học và tái chế hóa học. Tái chế hóa học là quy trình phân tách nhựa đã qua sử dụng thành các thành phần hóa học cơ bản. Bài viết này xin phép chỉ nói về tái chế cơ học là quy trình được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi nhằm đem lại lợi ích kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất hạt nhựa tái sinh là một dây chuyền khép kín, bao gồm nhiều phân đoạn khác nhau như: tập kết và phân loại nguyên liệu đầu vào, băm nhỏ và rửa sạch, sấy khô rồi nung chảy và cuối cùng là tạo hạt. Những dây chuyền tái chế sử dụng nguyên liệu sạch và chưa qua sử dụng có thể không cần tới công đoạn phân loại, băm nhỏ và rửa sạch. Có thể lấy ví dụ những công ty sản xuất túi nilon có thể dùng những sản phẩm lỗi trong quá trình sản xuất để tái chế và tái sử dụng ngay trong phân xưởng của mình.
Đối với hạt nhựa tái chế từ rác thải nhựa thì không những cần được phân loại và rửa sạch mà đôi khi còn phải xử lý để loại bỏ những tạp chất dính trên nguyên liệu, thí dụ như tem, nhãn mác, dây buộc....
Nhựa được nung chảy thành dạng lỏng và được ép qua một máy đùn thành những sợi như sợi bún, sau đó làm nguội và chặt nhỏ ra thành dạng hạt.
Người ta thường thêm hạt nhựa nguyên sinh cùng chất liệu và khi tái chế hạt nhựa để giữ cho sản phẩm tái chế có các đặc tính vật lý và hóa học được gần giống với dạng vật chất ban đầu. Đây là phương pháp hữu hiệu và tốt nhất được các doanh nghiệp sử dụng.
Việc sử dụng vật liệu tái chế giúp doanh nghiệp có thể hạ thấp giá thành sản phẩm đến mức tối đa, đồng thời hạn chế được việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên việc sản xuất và sử dụng nhựa tái chế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Các nhà máy tái chế nhựa ở các quốc gia phát triển ngoài việc sử dụng mã nhận dạng nhựa được khắc trên sản phẩm thì người ta còn kết hợp nhiều phương pháp như phân tách theo tỷ trọng, màu sắc và những hệ thông quang phổ phức tạp. Rác thải nhựa thậm chí còn trải qua công đoạn khử trùng, điều này giúp cho sản phẩm tái sinh có được chất lượng không mấy thua kém hạt nhựa nguyên sinh.
Có thể nói ở Việt Nam công nghệ tái sinh hạt nhựa vẫn còn quá thô sơ và mang tính tự phát. Việc phân loại được thực hiện theo cảm tính và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Việc phân loại sai và thiếu sót này dẫn đến sản phẩm có chất lượng kém, có thể nói là chưa đạt mức "tái sinh" mà chỉ có thể gọi là "tái chế" !
Hạt nhựa tái chế có màu sắc đục và rất xấu, khi dùng làm sản phẩm sẻ cho ra chất lượng và màu sắc kém cỏi. Minh chứng rõ nhất cho điều này có thể thấy được dễ dàng khi ta đem so sánh đồ gia dụng hay đồ chơi trẻ em trong nước với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Mỹ hoặc châu Âu...
Cũng bởi chất lượng nguyên liệu kém và khó kết dính nên khi sản xuất sản phẩm từ hạt nhựa tái chế người ta thường pha thêm các chất phụ gia để tăng tính liên kết. Các chất này có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc do nhà sản xuất tự mày mò, chưa hề được qua kiểm chứng về mức độ an toàn.
Ở Việt Nam, việc tái chế nhựa cũng như sản xuất sản phẩm từ nhựa tái chế hiện vẫn đang được thả lỏng một cách vô tội vạ. Hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào kiểm soát chất lượng đồ dùng từ loại nhựa tái chế này, người tiêu dùng cũng khó mà nắm rõ hay phân định về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Người dân cần phải biết tự bảo vệ mình, lựa chọn những sản phẩm rõ ràng nguồn gốc xuất xứ hay các thương hiệu uy tín để tránh ảnh hưởng sức khoẻ. Việc tiếp xúc thường xuyên với đồ nhựa tái chế sẽ làm tăng nguy cơ bị thôi nhiễm các chất động hại, thậm chí có thể dẫn đến các bệnh ung thư ! Việc tái chế nhựa cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường sống nặng nề bởi nước dùng để rửa các loại rác thải nhựa ở các cơ sở tư nhân đa phần thải trực tiếp ra môi trường mà chưa qua xử lý!