Polyethylene bao gồm LDPE và HDPE đều là vật liệu nhựa nhiệt dẻo thuộc họ polyolefin, là loại nhựa có nguồn gốc hóa dầu. Polyethylene là vật liệu nhựa phổ biến nhất trên thế giới, có cấu trúc đơn giản và dễ sản xuất nhất trong số các loại polyme có sẵn trên thị trường.
Bao bì làm từ vật liệu polyetylen, bao gồm LDPE (polyetylen mật độ thấp) và HDPE (polyetylen mật độ cao) đã định hình thị phần của ngành sản xuất và đóng gói, với đặc trưng là bao bì nhựa dẻo đựng thực phẩm, các loại màng quấn, các loại túi nhựa khổ lớn… Trong khi LDPE nổi trội trong lĩnh vực vật liệu đóng gói nhẹ như một lớp bao bì lót, trùm để chống thấm, thì HDPE lại vượt trội trong vật liệu đóng gói chắc chắn như: nắp chai, chai nước, thùng chứa và các cấu trúc chịu lực. Gần đây, HDPE cũng đã trở nên rất phổ biến như một vật liệu nguồn cho sợi in 3D, thay thế cho vật liệu ABS. Ngoài ra, HDPE cũng được sử dụng để sản xuất các bộ phận bằng nhựa như ống nước, đồ chơi và ghế nhựa.
Sự khác biệt giữa HDPE và LDPE về khối lượng mật độ và cấu trúc phân tử
Cấu trúc phân tử LDPE có nhiều nhánh hơn HDPE. Sự phân nhánh diễn ra trong quá trình polyme hóa, trong đó một chuỗi polyme sẽ có các chuỗi polyme thứ cấp gắn vào chúng, bằng cách thay thế đi một nguyên tử trong chuỗi chính bằng một nhóm monome. Điều này làm suy yếu kiên kết giữa các phân tử trong polyme. Đó là lý do tại sao HDPE có tỷ lệ độ bền trên mật độ cao hơn LDPE. Khối lượng mật độ của HDPE trong khoảng 0,95-0,97 g/ cm 3 trong khi LDPE chỉ ở mức 0,91-0,94 g/ cm 3.
Khác biệt giữa HDPE và LDPE về tính chất vật lý
Về cơ bản, LDPE mềm hơn và linh hoạt hơn HDPE. Nó có điểm nóng chảy thấp hơn là 110°c và trong suốt hơn so với người anh em mật độ cao của nó với điểm nóng chảy 140°c và màu sắc hơi mờ đục. Đặc điểm này khiến cho khi HDPE thường được sử dụng rộng rãi để làm chai lọ, hộp đựng thức ăn nóng, đường ống nước ngoài trời, trong khi LDPE với nhiệt độ nóng chảy của nhựa thấp, sẽ là lựa chọn hàng đầu cho những loại túi nhựa cần được niêm phong nhiệt. LDPE sẽ mềm đi ở mức nhiệt độ 110°c nên chúng không thể được dùng làm các hộp đựng thức ăn có thể dùng trong lò vi sóng, các bình sữa cần khử trùng bằng hơi nước hoặc các ứng dụng tương tự.
Bù lại cho những khuyết điểm, nhựa Polyethylene mật độ thấp cung cấp khả năng bảo vệ tối đa khỏi các chất gây ô nhiễm, vi khuẩn, các hạt bụi siêu mịn trong không khí để trở thành loại bao bì hàng đầu trong các phòng sạch và sản xuất thực phẩm. Chúng cũng cung cấp khả năng bảo vệ đặc biệt chống lại sự ô nhiễm trong các ngành công nghiệp hóa chất, sản xuất linh kiện điện tử, dược phẩm và thực phẩm.
Túi HDPE có bề ngoài cứng thô ráp hơn, và khi vò chúng nhàu nát sẽ nghe thấy âm thanh sọt soạt, đồng thời để lại nhiều nếp nhăn hơn túi LDPE.
Khả năng chịu tải của túi nhựa HDPE so với túi LDPE
Khả năng chịu tải của bao bì là phạm vi mà mật độ phân tử của nhựa sẽ ảnh hưởng rõ rệt. Polyethylene mật độ cao (HDPE) là loại mạnh mẽ và có tải trọng mạnh nhất, thường dược dùng làm túi mua sắm trong siêu thị. Những chiếc túi xếp hông mỏng manh này có thể chứa vài chục kilogram hàng hóa một cách dễ dàng. Tuy nhiên một khi chúng bị đâm thủng, chúng có thể bị rách toạc khiến hàng hóa bị rơi vỡ.
Nhựa Polyethylene mật độ thấp hoặc mật độ thấp tuyến tính (LDPE và LLDPE) không có sức mạnh như vậy, nhưng lại linh hoạt nhờ các phân tử nằm cách xa nhau. Những vết rách hay thủng sẽ không bị lan rộng ra, nên loại bao bì này sẽ là lựa chọn hàng đầu để mang các vật sắc nhọn.
Nói đơn giản hơn, túi HDPE cứng và chịu lực kéo tốt, ít co giãn, dễ bị xé rách nhưng khó bị đâm thủng. Còn túi LDPE mềm và có thể bị kéo giãn, dễ bị đâm thủng hơn nhưng khó bị xé rách.
Khác biệt giữa túi nhựa HDPE và LDLE về tính chất hóa học
Đặc tính kháng hóa chất của túi nhựa rất quan trọng trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là khi những sản phẩm mà chúng chứa đựng có tính ăn mòn hóa học. Các loại túi nhựa thường có khả năng chống hóa chất, tuy nhiên vẫn có những loại hóa chất có khả năng tạo ra phản ứng và làm hỏng chúng.
Nhìn chung thì HDPE có khả năng kháng hóa chất tốt hơn LDPE, nên chúng vẫn là lựa chọn được ưa chuộng nhất để đóng gói các chất ăn mòn hóa học. Túi nhựa LDPE có thể bị hư hỏng khi tiếp xúc trực tiếp với chất ăn mòn mạnh. Tuy nhiên, chúng vẫn hữu ích trong việc chống lại các hóa chất ăn mòn từ mức độ thấp đến nhẹ, nên vẫn phù hợp để sử dụng trong các mục đích thông thường.
Khác biệt của HDPE và LDPE về khả năng tái chế
LDPE và HDPE đều có thể được tái chế rất tốt, nhưng chúng không thể được tái chế cùng nhau. Trong khi LDPE mang mã số tái chế nhựa số 4, HDPE thuộc nhóm tái chế số 2. Quy trình tái chế 2 loại vật liệu trên đòi hỏi mức nhiệt độ khác nhau do sự khác biệt về điểm nóng chảy.
Một điểm khác biệt khác nữa là túi LDPE khó tái chế hơn do cấu trúc mềm khiến chúng thường xuyên vướng vào máy móc. Túi HDPE có thể được tái chế một cách dễ dàng hơn.
Mặc dù có sự khác biệt, LDPE và HDPE vẫn có những điểm chung do được được làm từ cùng một vật liệu ethylene được polyme hóa. Cả 2 vật liệu đều nhẹ nhưng bền, có khả năng kháng hóa chất, độ ẩm và đều có thể được tái chế. Cả LDPE và HDPE đều là những vật liệu bao bì có chi phí sản xuất thấp và có thể được chế tạo với kích thước rất lớn.