Trong ngành bao bì thực phẩm và rất nhiều ngành nghề khác, nhựa vẫn luôn tỏ ra vượt trội về tính tiện dụng và khả năng bảo quản, hơn hẳn tất cả các vật liệu khác.
Chúng ta đều biết rằng trong điều kiện đóng gói chân không, thực phẩm sẽ không bị nấm mốc do tiếp xúc với oxy, vì vậy chúng có thể nguyên vẹn trong một thời gian khá dài. Hai điều kiện thúc đẩy nhanh chóng sự phân hủy của thực phẩm chính là không khí và độ ẩm. Và để tạo nên môi trường chân không, thì bao bì nhựa là lựa chọn không thể phù hợp hơn.
Không chỉ có những chiếc túi nhựa, còn có những chiếc hộp, chai nước, các khay đựng hay chén đũa cũng là những sản phẩm nhựa tiếp xúc với thực phẩm của chúng ta hằng ngày.
Nhiều người trong chúng ta còn có một tủ bếp đầy hộp nhựa, để đựng thức ăn thừa của mình. Và khi nhận thức của con người ngày càng tăng, những mối hiểm họa của nhựa đối với sức khỏe và môi trường cũng được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn. Một số người tự hỏi: đã đến lúc vất bỏ những chiếc hộp nhựa cũ đó đi chưa?
Những chiếc túi và hộp nhựa có thực sự an toàn cho thực phẩm của chúng ta hay không?
Các nhà sản xuất công nghiệp lớn luôn có những nghiên cứu, và kết quả luôn là sản phẩm của họ an toàn, thậm chí có thể sử dụng để hâm thức ăn trong lò vi sóng. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia cảnh báo rằng, nhựa và nhiệt độ không phải là sự kết hợp tốt.
Trong những sản phẩm có quy trình chế tạo phức tạp, chất liệu không chỉ đơn thuần có nhựa.
Có hàng nghìn hợp chất được tìm thấy trong các sản phẩm nhựa dùng để đựng thực phẩm hằng ngày, và những dữ liệu về chúng vẫn còn rất ít ỏi. Nhưng trong số ít dữ liệu dữ liệu được biết đến đó lại chứa đựng những vấn đề khá nghiêm trọng, và rất đáng được quan tâm.
Phthalate, một chất phụ gia được sử dụng để làm cho túi nhựa dẻo hơn, đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tìm thấy trong mẫu nước tiểu, trên toàn bộ những người tham gia thử nghiệm tại Hoa Kỳ, ở mức độ có thể đo được. Chất này có liên quan đến rối loạn chức năng sinh sản trong các nghiên cứu trên động vật, và do đó,có cơ sở để nghi ngờ chúng cũng có liên hệ tới việc giảm khả năng sinh sản, các bệnh thần kinh và hen suyễn ở người.
Một nghiên cứu do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và các trường đại học thực hiện, đã tìm thấy Bisphenol A (BPA) ,(một hóa chất khác được bổ sung rộng rãi vào bao bì nhựa, kể cả bao bì thực phẩm) trong sữa mẹ của khoảng 90% phụ nữ đang cho con bú trong một cuộc khảo sát nhỏ. Các nhà nghiên cứu của Đại học Tokyo cũng từng phát hiện BPA trong nước ối của thai nhi đủ tháng vào năm 2002. Tiếp xúc với hóa chất trước khi sinh có liên quan đến chứng lo âu, trầm cảm và tăng động ở trẻ em, đồng thời tăng nguy cơ ung thư vú sau này.
Bisphenol A (BPA) là gì?
BPA được sử dụng từ những năm 1960 để sản xuất các loại bình nhựa cứng, cốc uống dành cho trẻ em và bao bì thực phẩm, vỏ hộp đồ uống… FDA cũng từng công bố BPA không gây ra mối nguy hại cho sức khỏe.
Năm 2008, Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên (NRDC), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1970 bởi một nhóm sinh viên luật và luật sư đi đầu trong phong trào môi trường, đã đệ đơn khởi kiện FDA, yêu cầu họ cần phải cấm sử dụng BPA như là một phụ gia trong bao bì thực phẩm.
Như một phần trong giải pháp hoà giải trong vụ kiện, cơ quan này đã đồng ý đưa ra luật định cấm các bao bì thực phẩm và nước uống chứa hoá chất bisphenol A (BPA) vào năm 2012. FDA cho biết quyết định cấm của họ là để đáp ứng yêu cầu của Hội đồng hóa học Mỹ (ACC). Tuy nhiên từ trước đó, dưới áp lực mạnh mẽ từ dư luận, các nhà sản xuất đã ngừng sử dụng loại hóa chất này để sản xuất bình sữa và cốc nước cho trẻ em. Cũng từ đó, bên cạnh mã nhận dạng và tái chế nhựa, nhãn BPA FREE xuất hiện phổ biến trên các sản phẩm cho trẻ sơ sinh, như một chứng nhận an toàn mới.
Ở Việt Nam, các bà mẹ cũng thường tìm mua các dòng sản phẩm nhập khẩu đạt tiêu chuẩn này. Trên thị trường vẫn tràn lan các loại bình sữa có chứa BPA vì chưa có lệnh cấm, và không phải ai cũng biết về ảnh hưởng xấu khi sử dụng bao bì thực phẩm có chứa chất này.
Tuy nhiên mối lo vẫn còn đó!
BPS và BPF, hai chất thay thế phổ biến, sử dụng trong các sản phẩm được tiếp thị với nhãn “BPA FREE”, vẫn có thể có tác dụng tương tự. Các nghiên cứu của cả Đại học Texas và Đại học Bang Washington cho thấy, ngay cả với liều lượng một phần nghìn tỷ , BPS có thể làm gián đoạn hoạt động của tế bào. Một nghiên cứu năm 2019 từ Đại học New York đã liên kết béo phì ở trẻ em với BPS và BPF.
Các nhà sản xuất đặc biệt yêu thích những hợp chất này, bởi chúng có tính liên kết kỳ diệu, giúp tạo ra nhựa polycarbonate cực kỳ bền chắc, khó vỡ, trong suốt như thủy tinh mà lại có khả năng chịu nhiệt.
Còn nhiều hóa chất khác nữa cũng được thêm vào nhựa trong quá trình sản xuất, nhằm đạt tới các đặc tính hóa học và vật lý cần thiết đối với từng sản phẩm. Và thật sự phải thừa nhận rằng, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong hiểu biết của chúng ta, về cách chúng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Những lỗ hổng trong các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hiện tại.
Hộp đựng hay bao bì chỉ là một phần trong những thời điểm mà nhựa tiếp xúc với những thứ chúng ta ăn hằng ngày. Nhựa còn có trong những băng tải trong dây chuyền sản xuất, bao tay của các công nhân chế biến, và ngay cả trong những dụng cụ ở chính nhà của chúng ta.
Và rất khó để trả lời sản phẩm nhựa nào là an toàn, nếu không có sự minh bạch rõ ràng hơn về các thành phần hóa học tạo ra chúng.
Năm 1988, ngành công nghiệp nhựa đã đưa ra mã nhận dạng tiêu chuẩn cho bảy loại hạt nhựa thông dụng nhất đang lưu hành. Những ký hiệu này dễ dàng tìm thấy dưới đáy chai nước hay các hộp đựng làm từ nhựa.
Hầu hết các bao bì thực phẩm, cả loại dùng một lần và loại tái sử dụng,đều được làm bằng polyetylen mật độ thấp ( mã số 4) hoặc polypropylen (mã số 5).
Cả 2 loại trên đều là những loại nhựa khá bền vững và an toàn với thực phẩm. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nhiệt ( như trong lò vi sóng và máy rửa bát), polyethylene và polypropylene vẫn có thể bị phân hủy một phần. Quá trình này tiết ra các hóa chất không xác định vào thức ăn và đồ uống, là những tạp chất trong nguyên liệu hoặc các chất được thêm vào không chủ ý trong quá trình sản xuất. Dầu mỡ quá nhiều dính trên thực phẩm cũng được cho là có thể thu hút một số hóa chất ra khỏi thành phần của nhựa.
Ngay cả một nhà sản xuất nhiều kinh nghiệm, cũng khó mà xác định chính xác được thành phần hóa học của các phân tử nhỏ cuối cùng trong nguồn nguyên liệu mà họ sử dụng.
Những nghiên cứu về các loại hóa chất trong nhựa thành phẩm cho tới nay vẫn còn khá ít ỏi. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường , các nhà nghiên cứu Đức và Na Uy đã thí nghiệm trên các mẫu vật dụng bằng nhựa trong thế giới thực như chai dầu gội đầu, cốc sữa chua và chai nước. Họ chiết xuất thành phầncủa những mẫu vật này và cho tiếp xúc với các tế bào sống trong ống nghiệm. Nhiều hợp chất trong số đó được gây tổn thương cho tế bào và có thể coi là chất độc. Nhưng tên gọi và thành phần hóa học của những chất trong mẫu vật này chưa thể được xác định, khi chưa có những nghiên cứu chuyên sâu hơn được thực hiện.
Người ta chỉ biết đến 2 chất quá nổi tiếng là Bisphenol A và Phthalate mà quên đi rằng trong các sản phẩm nhựa còn có nhiều hợp chất khác, và chúng vẫn đang là những ẩn số nguy hiểm.
Tại Hoa Kỳ, tất cả các loại nhựa được sử dụng trong bao bì thực phẩm đều trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Tuy nhiên nhiều khuyến nghị của FDA với các nhà sản xuất bị các nhà nghiên cứu cho là không còn phù hợp với khoa học mới nhất về thử nghiệm chất độc hóa học.
Ví dụ, các nhà sản xuất không thực sự phải cung cấp dữ liệu độc chất học, nếu họ ước tính mức độ phơi nhiễm với con người của chất đó ở dưới ngưỡng giảm xuống 0,5 phần tỷ (ppb). Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng với một lượng thậm chí còn thấp hơn, một số hóa chất gây rối loạn nội tiết vẫn có thể có tác động, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương như trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Tỷ lệ nêu trên cũng không tính đến mức độ tiếp xúc tích lũy, khi mà có những sản phẩm chúng ta tiếp xúc một thời gian dài liên tục.
Nhiều hóa chất hoặc hỗn hợp đã được FDA chấp thuận từ nhiều thập kỷ trước, và vẫn còn ở đó. Chúng chưa được đánh giá và xem xét lại, xem những gì được coi là an toàn từ những năm 1962 có còn an toàn ở thời điểm hiện tại hay không. Và những hoá chất hoặc hỗn hợp đó vẫn được nhiều nhà sản xuất vẫn dựa vào để tạo ra sản phẩm của họ.
Rõ ràng là vẫn còn những lỗ hổng lớn trong kiến thức của chúng ta, về sự tiếp xúc của bao bì thực phẩm nói riêng và các vật dụng thường ngày nói chung, với hàng nghìn loại hóa chất có trong nhựa và các loại vật liệu khác.
Vậy, làm thế nào để sử dụng bao bì thực phẩm và các đồ dùng từ nhựa một cách an toàn?
Câu trả lời đơn giản nhất là chúng ta hãy ngừng sử dụng chúng, và chuyển sang hộp đựng bằng thủy tinh hoặc kim loại, túi giấy khi có thể. Tuy nhiên, những chất liệu kể trên cũng có khả năng chứa đựng các chất độc hại trong quá trình sản xuất. Thủy tinh có chứa chì, kim loại có thể bao gồm các kim loại nặng gây nhiễm độc, và mực in trên bao bì giấy sẽ nhanh chóng phân hủy và dính vào thực phẩm khi bị ẩm ướt.
Có thể thấy, không có loại vật liệu nào an toàn tuyệt đối. Và trong số đó, nhựa vẫn nổi trội như một loại vật liệu kỳ diệu với nhiều đặc tính hữu dụng. Và có thể bạn chưa biết, nhiều nghiên cứu về các độc chất có trong nhựa được thực hiện dưới nguồn kinh phí tài trợ của các hãng bao bì thủy tinh, và bao bì giấy. Mặc dù vậy, có nhiều cơ sở để tin rằng các công trình nghiên cứu đóvẫn khách quan và hoàn toàn độc lập.
Cuối cùng, lựa chọn vẫn là của chính chúng ta. Và nếu phải sử dụng các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm bằng nhựa, chúng ta nên lưu ý một số điều có thể sẽ hữu ích:
- Nhựa dù rất bền vững, nhưng chúng không tồn tại mãi mãi. Tránh sử dụng những sản phẩm nhựa bị trầy xước hay đổi màu.
- Không đựng thực phẩm béo hoặc nhiều dầu mỡ trong đồ nhựa, vì nhiều hóa chất được sử dụng có thể hòa tan trong chất béo và ngấm vào thực phẩm.
- Hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ, mọi người vẫn có thói quen dùng chúng trong lò vi sóng và máy rửa chén. Mặc dù được quảng cáo là có thể chịu được nhiệt độ cao, nhưng sự kết hợp giữa nhựa và nhiệt độ chưa bao giờ được khuyến khích. Nhiệt độ có khả năng phá vỡ các liên kết hóa học trong nhựa, làm tăng tốc độ di chuyển hóa học từ các hộp đựng đi vào thực phẩm. Các nhà khoa học đã ghi nhận tỷ lệ di chuyển hóa học cao hơn trong các chai nước để dưới ánh nắng mặt trời.
- Ngừng tận dụng những hộp đựng thức ăn mang đi, hộp thức ăn nhanh và các loại bao bì sử dụng một lần. Nhiều người vẫn có thói quen cất giữ những sản phẩm vốn không được chế tạo cho mục đích tái sử dụng.
- Chọn mua hộp, bao bì nhựa thực phẩm từ những doanh nghiệp và thương hiệu có uy tín, và chú ý đến chất liệu tạo nên chúng qua mã nhận dạng nhựa. Có rất ít loại nhựa thường được sử dụng cho bao bì thực phẩm, như Polyethylene (PE), Polypropylene (PP), Polycarbonate (PC) và Polyethylene Terephthalate (PET). Khi được sản xuất từ nhựa nguyên sinh, không thêm các phụ gia đặc biệt, các loại nhựa trên có chỉ số an toàn rất cao.
- Trên thực tế thì hầu hết các mối nguy về bao bì thực phẩm đến từ mực in và các chất phụ gia được thêm vào trong quá trình sản xuất. Mực in trong sản xuất túi nhựa đóng gói và trong nhiều ngành sản xuất khác đa số đều có nguồn gốc từ thuốc nhuộm. Nhiều quốc gia hiện không có quy định bắt buộc về thành phần các loại mực in, nên bên trong chúng có thể chứa các kim loại nặng, chẳng hạn như chì, chất phân tách, thủy ngân,... Mực in cũng có thể chứa các chất anilin, gây hại cho hệ thần kinh, máu và hệ sinh sản của con người.
- Đối với loại bao bì có sử dụng mực in, bạn có thể quan sát kỹ chúng dưới đèn UV nếu có điều kiện. Nếu không có đèn UV, bạn có thể nhìn kỹ bằng mắt thường, xem xét màu sắc, độ đồng đều của mực in. Mực in đủ tiêu chuẩn thường tạo ra những sản phẩm đồng đều và sắc nét, không có mùi lạ. Mực in tốt khi gãi bằng móng tay cũng không bị phai màu.
- Một ví dụ điển hình cho sử dụng bao bì thực phẩm đúng cách là việc uống sữa bịch. Cố gắng không để miệng chạm vào mực khi uống sữa. Bạn cũng có thể rửa sạch gói sữa trước, sau đó dùng kéo sạch cắt và đổ vào cốc để uống. Sử dụng ống hút cũng là một lựa chọn tốt trong trường hợp này.
Bài viết có dữ liệu tham khảo từ nguồn: https://www.theguardian.com/us-news/2020/feb/18/are-plastic-containers-safe-to-use-food-experts