Giá hạt nhựa tăng kỷ lục và cách ứng phó của các doanh nghiệp nhựa

12/12/20

 

Trong vòng 3 tuần vừa qua, thị trường đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ về giá cả của các loại hạt nhựa như LLDPE, LDPE, HDPE, PP, ABS, PVC... Trong đó, hạt nhựa LDPE không chỉ tăng giá mạnh với biểu đồ theo phương thẳng đứng, mà gần như nguồn cung bị gián đoạn và vô cùng khan hiếm.


Từ ngày 03/11/2020 đến ngày 13/11/2020 giá LDPE giao ngay tại khu vực Đông Nam Á ít biến động, ổn định ở mức 1586 USD/ tấn cho đơn hàng tối thiểu 5 tấn. Nhưng tới ngày 25/11 chỉ 12 ngày sau đó giá đã ở mức 1883 USD/ tấn. Để dễ hình dung hơn thì hạt nhựa LDPE đã tăng 19,1% giá trị từ 36.600 VND lên tới 43.600 VND trên mỗi kilogram. LLDPE (Polyethylene mật độ thấp tuyến tính) cũng có mức tăng 11% trong 12 ngày này từ 1122 USD/ tấn lên 1249 USD/ tấn. Giá LLDPE giao ngay tại Đông Nam Á chỉ ở mức 870 USD/ tấn vào thời điểm đầu tháng 4 năm 2020!

biểu đồ giá LDPE quý 4 năm 2020
biểu đồ giá LDPE quý 4 năm 2020

Sự biến động này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm làm từ nhựa, vì giá nguyên liệu cao buộc họ phải tăng giá thành để bù đắp lại chi phí. Cá biệt có một số mặt hàng như bao bì nhựa, ống nước, ống hút nhựa, khuôn ép,... có mức tăng giá lên tới 30% trong thời gian ngắn. Đây là những mặt hàng mà giá thành phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu, và sự thay đổi giá đột ngột này cũng đã gây nên sự bất ổn lớn trên thị trường. Các nhà sản xuất sản phẩm, linh kiện từ nhựa thì phải liên tục tìm kiếm nguồn nguyên liệu, cập nhật giá cả từng ngày. Còn các đại lý hay các doanh nghiệp mua linh kiện hay bao bì nhựa để sản xuất thành phẩm cũng phải cơ cấu lại mức giá vì các chi phí đầu vào tăng cao, mà họ lại không thể hiểu rõ nguyên do.

Cách ứng phó của các doanh nghiệp trước việc giá hạt nhựa tăng kỷ lục

Vậy vì sao giá hạt nhựa tăng lại tăng một cách đột ngột như vậy?

Theo nhận định của chúng tôi, việc tăng giá nhanh đến bất ngờ của các loại hạt nhựa là kết quả của một chuỗi kết hợp các yếu tố, cả khách quan và chủ quan khiến cho nguồn cung bị thu hẹp, không đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.

Tại Châu Âu, các nhà sản xuất đồng loạt cắt giảm sản lượng gây nên áp lực tăng giá mạnh mẽ lên thị trường trong suốt tháng 11. Mức giá chênh lệch so với mức đáy trong quý III lên tới 190 Euro/ tấn. Nguồn cung LDPE tại Châu Âu cũng vô cùng khan hiếm, với rất ít nguyên liệu có sẵn trên thị trường giao ngay. Việc đóng cửa hai nhà máy ở Scandinavia của một hãng hóa dầu kể từ tháng 4/2020 đã làm giảm sản lượng nguyên liệu tung ra thị trường vào khoảng 500.000 tấn LDPE/ năm . 2 nhà máy có sản lượng 400.000 tấn / năm ở Wilton, Anh và 360.000 tấn / năm ở Đức cũng bị chậm trễ thời gian trở lại hoạt động sau quá trình bảo trì hệ thống.

Các hoạt động bảo trì hệ thống là điều thường diễn ra trong lĩnh vực sản xuất hạt nhựa trên toàn thế giới. Tại Nga, ba nhà sản xuất lớn là Ufaorgsintez, Tomskneftekhim Kazanorgsintez đã đồng loạt ngừng sản xuất để sữa chữa từ tuần thứ 3 của tháng 8 cho tới nửa đầu của tháng 10. Và sự ngừng hoạt động của các nhà sản xuất này dẫn đến tình trạng thiếu hụt LDPE trên thị trường, và giá bắt đầu tăng. Đến nửa cuối tháng 10, việc bảo trì của họ kết thúc, điều này lẽ ra đã làm tăng nguồn cung PE trên thị trường nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại. Giá LDPE đồng loạt tăng cao ở khắp nơi trên thế giới cho phép Nga xuất khẩu nguyên liệu này với mức giá cao hơn so với giá bán ở thị trường nội địa, dẫn đến việc nhiều nhà sản xuất cắt giảm công suất để cố gắng duy trì đà tăng giá. Giá LDPE đạt tới 98.000 Rb / tấn vào cuối tháng 11, trong khi vào cùng kỳ năm ngoái, giá mặt hàng này đã giảm xuống dưới 80.000 Rb / tấn !

tổ hợp nhà máy hóa dầu Kazonorgsintez ở Nga
tổ hợp nhà máy hóa dầu Kazonorgsintez ở Nga

Bên cạnh việc khan hiếm nguyên liệu do hàng loạt các nhà máy sản xuất cắt giảm sản lượng hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn để bảo trì thì thị trường biến động còn do nhiều nguyên nhân khách quan khác. Đặc biệt nhất phải nói đến là tình hình dịch bệnh cũng như mưa bão kéo dài và tàn khốc ở Mỹ. Một số nhà sản xuất lớn ở Texas và Louisiana đã phải đóng cửa các nhà máy do mức độ nghiêm trọng của bão.

INEOS tuyên bố ngừng sản xuất HDPE từ nhà máy ở Texas vào ngày 26/08, tiếp đó là Westlake, Sasol LyondellBasell tuyên bố tình trạng bất khả kháng từ ngày 31/08 và CP Chem cũng tuyên bố tương tự vào ngày 01/09 .

Các nhà máy ban đầu bị đóng cửa trước cơn bão Laura vào tháng Tám nhưng tình hình tiếp tục bị kéo dài khi liên tiếp nhiều cơn bão đổ bộ vào đất liền, với cấp độ thậm chí còn mạnh hơn.

Hiện tại tất cả các nhà máy trên đã được khởi động lại, tuy nhiên nguồn cung nguyên liệu từ Mỹ cho khu vực Châu Á vẫn còn rất hạn chế do tình hình vận chuyển hàng hóa tại các cảng biển lớn vẫn còn trong tình trạng quá tải.

Việc gián đoạn sản xuất tại Mỹ khiến cả châu lục thiếu hụt nguồn cung. Điều này dẫn đến việc các nhà xuất khẩu ở Trung Đông và Bắc Á chuyển sang cung cấp hàng cho châu Mỹ Latinh, với mức giá tương đương hoặc hấp dẫn hơn so với xuất khẩu sang châu Âu, bắt đầu cho một chuỗi thiếu hụt hạt nhựa với quy mô toàn thế giới!

Ngoài ra giá vận chuyển tăng đồng loạt ở khắp nơi, cũng hỗ trợ cho đà tăng giá của hạt nhựa, đặc biệt là ở khu vực châu Á do tình trạng thiếu container và thiếu tàu. Thời gian hành trình vận chuyển bằng đường biển có thể tăng gần gấp đôi do cách chính sách cách ly phòng ngừa đại dịch Covid-19, tùy theo mỗi quốc gia là nguyên nhân chính gây ra sự ách tắc này.

 

tình trạng thiếu container và thiếu tàu ở châu Á khiến giá vận tải tăng cao
tình trạng thiếu container và thiếu tàu ở châu Á khiến giá vận tải tăng cao


Việc đầu cơ tích trữ hạt nhựa của các thương nhân châu Á, đặc biệt là Trung quốc cũng góp phần khiến giá cả loại hàng hóa này khó đảo chiều trong thời gian ngắn. Nhất là khi thời điểm các hoạt động sản xuất hàng hóa tăng cao, phục vụ cho các kỳ nghỉ lễ, tết cuối năm đang đến gần.

Tình trạng tăng giá thành xảy ra không những đối với tất cả nguyên liệu nhựa mà còn với các loại mặt hàng vận chuyển bằng đường biển khác. Tuy nhiên nhìn chung các sản phẩm hạt nhựa nguyên sinh phải chịu áp lực tăng giá nặng nề nhất do nhiều yếu tố kết hợp.

Ở ngành dệt may, nhu cầu cao đối với hàng dệt gia dụng và thảm vào dịp cuối năm cùng với giá cước tăng cao đã ảnh hưởng rõ ràng tới giá polyester. Các nhà cung cấp Malaysia và Ấn Độ cho biết họ đã không còn hàng dự trữ. Tình hình này có thể sẽ tiếp tục cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ở Ai Cập, giá chào hàng chai PET nhập khẩu đã đạt mức cao nhất trong 8 tháng qua. PS và ABS của Hàn Quốc dự kiến sẽ duy trì mức tăng đối với thị trường của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ, do phí vận chuyển tăng và nguồn cung giảm.

Nguyên liệu EPS cũng đã kéo dài xu hướng tăng giá sang tháng thứ hai liên tiếp.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhựa loay hoay tìm cách vượt qua khủng hoảng

Việc tăng giá và khan hiếm của hạt nhựa vừa qua thực sự đã ảnh hưởng rất nặng nề đến rất nhiều nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là các công ty bao bì nhựa. Trong đợt tăng giá vừa qua, hầu như mỗi ngày họ đều phải cập nhật giá nguyên liệu và thông báo mức giá sản phẩm mới đến khách hàng. Và tất nhiên đa phần khách hàng đều thắc mắc và khó chấp nhận mức tăng giá đến phi lý như vậy. Cá biệt có nguyên liệu hạt nhựa nguyên sinh LDPE có mức tăng từ điểm đáy vào giữa tháng 8 khoảng 26.000.000 VND/ tấn lên tới 46.000.000 VND/ tấn vào tháng 11. Đây là loại nguyên liệu thiết yếu để sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa khổ lớn do chúng có đặc tính là cứng và trong hơn so với LLDPE. Các loại túi zipper cũng phải sử dụng 100% loại nguyên liệu này để sản xuất để đường gân trên miệng túi đạt được độ cứng và bền cần thiết.

Không những giá cả tăng cao mà các nhà nhập khẩu hạt nhựa thậm chí không có đủ mặt hàng này để bán. Rất nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, một số phải tạm ngừng hẳn mọi hoạt động khi không có nguồn nguyên liệu. Những nỗ lực tìm nguyên liệu tổng hợp để pha trộn và thay thế đã thất bại do rào cản kỹ thuật và đặc tính đặc biệt của hạt nhựa LDPE dường như là không thể thay thế.

Vấn đề quan trọng nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là phản ứng gay gắt từ các khách hàng. Họ bất mãn và hoang mang khi  xuất hiện ngày càng nhiều thương lái, doanh nghiệp nhỏ lẻ tìm cách trì hoãn, thậm chí từ chối thực hiện những đơn đặt hàng đã nhận trước đó. Có thể là do họ không có đủ nguồn nguyên liệu dự trữ, hoặc do mức giá sản phẩm đã giao ước từ trước đó là quá thấp so với mức giá hiện tại của thị trường.

Những doanh nghiệp uy tín hơn cố gắng thực hiện tất cả các đơn đặt hàng đã nhận với mức giá cũ và chấp nhận lỗ, đồng thời ngưng nhận các đơn đặt hàng mới hoặc chỉ nhận với số lượng giới hạn để hoạt động cầm chừng. Một số ít chọn phương án chia sẻ thiệt hại cùng khách hàng, cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh không lợi nhuận, thậm chí là chịu lỗ! Bên cạnh việc thuyết phục khách hàng cùng chia sẻ và vượt qua khủng hoảng thì họ cũng vô cùng vất vả trong việc tìm kiếm nguồn hạt nhựa.

Nhưng có một điểm chung là tất cả các doanh nghiệp bao bì nhựa nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ vật liệu nhựa nói chung đều mong muốn là thị trường sớm bình ổn, nguồn cung dồi dào để hoạt động sản xuất của họ sớm trở lại ổn định.

Những tín hiệu lạc quan nào cho thời gian sắp tới?

Tuy thị trường hạt nhựa gần đây đã trải qua một chu kỳ biến động có thể nói là mạnh nhất trong một thập kỷ qua, tuy nhiên nguồn cung có thể coi là vẫn đủ, ngoại trừ LDPE trở nên vô cùng khan hiếm.

Trong thời gian tới, khi các hoạt động ngừng sản xuất thường niên ở Trung Đông và Bắc Á hoàn toàn chấm dứt, nhiều khả năng nguồn cung sẽ ổn định trở lại.
Hiệp định thương mại tự do Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) (FTA) giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và tất cả 10 nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam cũng đã được ký kết. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại polymer giữa các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương vì nó nhằm mục đích giảm dần hoặc đến việc bỏ hẳn thuế nhập khẩu ở 15 quốc gia thành viên trong hai thập kỷ tới. Tuy nhiên, đối với hạt nhựa PP và PE, việc giảm hoặc xóa bỏ thuế quan có thể sẽ khác nhau tùy theo mỗi quốc gia.

Việc loại bỏ thuế quan cũng sẽ rút ngắn các quy trình và thủ tục, thời gian vận tải giữa các nước trong khu vực giảm cũng sẽ giải tỏa gánh nặng cho ngành vận tải biển.

Tuy nhiên mọi dự báo cho xu hướng giá của các loại hạt nhựa vẫn còn là quá sớm khi hiệp định này cũng bao gồm Trung Quốc - nước tiêu thụ PP và PE lớn nhất trên thế giới.Mọi động thái mua bán của quốc gia này đều tác động không nhỏ đến thị trường.


Về việc tăng nguồn cung trong khu vực, tổ hợp lọc hóa dầu Pengerang (RRefCHem) ở Malaysia đang chuẩn bị đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2021. Tổ hợp này bao gồm một nhà máy LLDPE có công suất 350,000 tấn/ năm, một tổ hợp 400,000 tấn HDPE/ năm và 900,000 tấn/ năm đối với PP.

Một dấu hiệu lạc quan khác là mức sản xuất ở Anh và Đức đang dần trở lại bình thường, và nhà máy ở Scandinavia cũng công bố mục tiêu hoạt động lại trước cuối năm nay. Nguồn cung cũng được hỗ trợ bởi một nhà sản xuất khác ở Pháp chuyển nhà máy của mình theo hướng tăng sản lượng LDPE và giảm bớt sản lượng EVA (ethyl vinyl axetat).

Mặc dù vậy, tồn kho dự trữ ở các khu vực sản xuất hạt nhựa vẫn ở mức rất thấp, và lại có một sự cố bất khả kháng vừa được công bố trong tuần này, tại một nhà máy cung cấp LDPE  có công suất 110.000 tấn / năm ở Pháp. Các thông tin cụ thể về sự cố này vẫn chưa được công bố, tuy nhiên sự gián đoạn tại đây được dự đoán sẽ kéo dài ít nhất trong vài tuần.

Nhiều chuyên gia phân tích thị trường giao dịch hàng hóa có quan điểm rằng dự trữ LDPE sẽ tiếp tục giảm bớt gây nên áp lực tăng giá. Tuy nhiên đà tăng sẽ gặp nhiều rào cản do khi giá cả tăng cao, khách hàng thường có xu hướng tìm đến các loại vật liệu như các loại polyme tổng hợp để thay thế, mặc dù sẽ có nhiều vấn đề và giới hạn về mặt kỹ thuật có thể gặp phải.

Tuy nhiên, xét về mặt lịch sử, phải thực tế nhìn nhận rằng mức giá hiện tại tuy tăng nhanh và mạnh nhưng thật ra vẫn đang nằm ở mức thấp trong lịch sử 10 năm trở lại đây. Và mức giá 870 USD/ tấn của LLDPE vào hồi tháng 4 năm nay cũng là mức đáy cũng là mức đáy trong nhiều thập kỷ, thấp hơn nhiều so với đỉnh 2043 USD/ tấn năm 2014 và 2285 USD/ tấn năm 2008. Tháng 4 năm nay là thời điểm mà mọi nhu cầu về hàng hóa trên toàn thế giới gần như ngưng trệ, chỉ trừ nhu yếu phẩm và thực phẩm. Hẳn mội người vẫn chưa quên vào ngày 20/04/2020, tại sàn giao dịch New York, giá dầu thô WTI giao hàng trong tháng 5 đã lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống mức âm: -37,63 USD/ thùng!

Nhiều khả năng, giá hạt nhựa được hỗ trợ bởi nhiều tín hiệu lạc quan có thể điều chỉnh giảm trong thời gian sắp tới. Nhưng khi các nền kinh tế trên thế giới đã vượt qua đại dịch và bắt đầu hồi phục thì cũng là lúc giá các loại nguyên liệu như LDPE, LLDPE, HDPE hay PP, PVC, ABS đều trở về giá trị vốn có của nó. Và về trung và dài hạn, tăng giá là dự đoán của chúng tôi về xu hướng của thị trường.

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI SẢN XUẤT BAO BÌ KHANG LỢI
Địa chỉ: A5/43C đường 1A, Xã Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh | Hotline: 0902409906 | Email: baobikhangloi@gmail.com
2020 Copyright Bao Bì Khang Lợi facebook twitter instagram Google map Youtube DMCA.com Protection Status