Bạn cần đóng gói sản phẩm? Vậy bạn đã đã xem xét hết mọi yếu tố, đặc biệt là giá thành của thị trường hay chưa?
Bao bì tự bản thân chúng đã là một sản phẩm, và là một ngành kinh doanh, một ngành công nghiệp lớn trị giá hàng trăm tỷ đô la. Trong đó bao bì dành cho thực phẩm và đồ uống chiếm tới 65-70% tổng giá trị.
Và để phân loại theo công dụng thì bao bì có thể được chia làm ba nhóm chính:
- Nhóm công dụng chính: là các loại túi đóng gói, bảo vệ cho sản phẩm, và người tiêu dùng sẽ đem theo chúng cùng với sản phẩm mang về nhà.
- Nhóm bao bì thứ cấp: là những thứ dùng để nhóm các sản phẩm lại với nhau như hộp, thùng, màng bọc thực phẩm,... Nói đơn giản hơn thì đây là loại bao bì bao quanh bao bì chính của sản phẩm, một lớp “bao bì ngoài bao bì”.
- Loại thứ ba là loại được sử dụng để vận chuyển và lưu kho: chẳng hạn như thùng carton và pallet, bao jumbo,...
Việc nắm rõ và lựa chọn bao bì phù hợp rất quan trọng đối với sự thành công của sản phẩm. Lựa chọn bao bì đúng đảm bảo cho sphẩm của bạn đến nơi trưng bày, cửa hàng một cách an toàn, nguyên vẹn cho tới khi tới tận nhà của khách hàng.
Tuy nhiên việc lựa chọn bao bì cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, đặc biệt là giá thành, nhất là khi mà nền kinh tế đang gánh chịu nhiều khó khăn như lúc này.
Bài viết này xin được nói về vấn đề giá của hình thức đóng gói khá phổ biến: bao bì nhựa. Đây là loại bao bì thông dụng chiếm tới hơn 40% tổng giá trị của ngành.
Bao bì nhựa, cụ thể hơn là túi ni lông có giá thành bao nhiêu tiền mỗi kilogram?
Bao bì nhựa không chỉ đóng vai trò bảo quản sản phẩm mà còn trở thành phương tiện tuyệt vời trong hoạt động tiếp thị sản phẩm. Những chiếc túi màng ghép in hình ảnh sống động không chỉ đem đến thông tin tiếp thị mà còn bổ sung thêm cho trải nghiệm người dùng. Đôi khi những bao bì quá đẹp đẽ này đã đánh cắp hào quang của chính sản phẩm bên trong nó. Tất nhiên, loại túi đóng gói này có giá thành không hề rẻ, đôi khi còn vượt quá giá trị của món hàng.
Tuy nhiên đại đa số túi ni lông thiên về mục đích ban đầu là bảo quản sản phẩm trong suốt chuỗi cung ứng, nhiều hơn là mục đích thu hút khách hàng. Loại bao bì này lại có giá vô cùng rẻ, rẻ đến người ta có thể dễ dàng bỏ qua chi phí dành cho chúng. Ở trường hợp này các doanh nghiệp có thể cảm thấy rằng chi phí đóng gói là không đáng kể.
Qua hai trường hợp trên, có thể thấy chi phí dành cho từng loại bao bì nhựa có giá thành chênh lệch nhau khá nhiều, việc định giá chung cho chúng dường như là bất khả thi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sử dụng lọai bao bì này cũng cần am hiểu đôi chút về mức giá của thị trường, nhằm mục đích tiết kiệm các khoản chi phí không đáng có cho chính họ.
Điều quan trọng là phải thông thạo chi phí dành cho đóng gói và những yếu tố nào ảnh hưởng đến giá thành của chúng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá của túi ni lông hay các loại túi nhựa khác
Cũng như mọi mặt hàng khác, mức giá của túi ni lông hay bao bì nhựa cũng do thị trường quyết định, mức giá này luôn được điều chỉnh ở mức hợp lý và không có sự chênh lệch nhiều giữa những nhà cung cấp. Một công ty bao bì bán sản phẩm của họ quá đắt, tất nhiên họ sẽ khó bán được cho nhiều khách hàng. Và ngược lại nếu bán quá rẻ thì doanh nghiệp của họ sẽ không tránh khỏi việc bị thua lỗ.
Mỗi doanh nghiệp đều có những phương thức riêng để tính toán giá thành sản phẩm của mình. Nhưng nhìn chung, để cấu thành nên giá thành của một chiếc túi ni lông sẽ bao gồm những yếu tố chính sau đây:
- Nguyên liệu đầu vào: cụ thể là hạt nhựa. Đây là yếu tố quan trọng nhất bởi đây là nguyên liệu chính và chiếm phần lớn giá thành của một chiếc túi ni lông. Tỷ lệ này có thể lên đến 85% đối với loại bao bì đơn giản nhất là những chiếc túi ni lông trơn, miệng bằng thông thường. 15% giá thành còn lại bao gồm tất cả chi phí như mặt bằng, điện nước, nhân công, vận chuyển và cả lợi nhuận của doanh nghiệp. Và trên thị trường, giá hạt nhựa cũng luôn thay đổi liên tục theo giá dầu thô, dẫn đến việc các mặt hàng bao bì nhựa cũng luôn có sự thay đổi về giá.
- Các đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm: túi miệng bằng thông thường khi được trải qua một số công đoạn gia công đặc biệt, chúng ta sẽ có thêm nhiều loại sản phẩm khác như túi đục lỗ quai xách, đục lỗ thông hơi, túi zipper, túi nắp có keo dán,... Mỗi một công đoạn gia công nào kể trên đều tiêu tốn tài nguyên về cơ sở hạ tầng, nhân công và năng lượng để thực hiện. Và đương nhiên giá thành cũng sẽ tăng lên đáng kể.
- Các công đoạn xử lý sau sản xuất: các loại bao bì sau khi được sản xuất có thể được chuyển đến xưởng in, hoặc đưa vào dây chuyền xử lý plasma hoặc corona để chống tĩnh điện. Các yêu cầu đặc biệt này cũng sẽ gây nên một khoản hao tốn cho khách hàng.
- Giá cước vận tải: chi phí này cũng thường được cách doanh nghiệp cân nhắc để đưa vào giá thành sản phẩm
- Khối lượng đặt hàng: theo lẽ thường, bất cứ khi nào các mặt hàng được mua với số lượng lớn thì giá mỗi mặt hàng sẽ thấp hơn đáng kể. Việc giảm chi phí được thực hiện do nhiều yếu tố như thời gian thiết lập hệ thống máy móc thấp hơn, quy trình sản xuất được liền mạch và ít thao tác thủ công. Việc lưu trữ và vận chuyển cũng thuận lợi và dễ dàng sắp xếp cho doanh nghiệp.
- Giá trị thương hiệu: những công ty bao bì lớn và uy tín có thể có mức giá nhỉnh hơn đôi chút. Không phải tuyệt đối rằng sản phẩm của họ lúc nào chất lượng cũng cao hơn nhóm những doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên mức chênh lệch này có thể chấp nhận được bởi sự chuyên nghiệp trước và sau bán hàng, các cam kết về chất lượng, chính sách đổi trả và các phương thức thanh toán linh hoạt của họ.
Những yếu tố trên là những thứ cơ bản để quyết định giá thành của một chiếc túi ni lông. Nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời cụ thể cho chủ đề chính.
Vậy chúng ta có thể biết được túi ni lông trị giá bao nhiêu hay không?
Qua những thông tin chúng ta đã nắm được ở phần trên, chúng ta có thể thấy được là những chiếc túi ni lông với cùng chất liệu, kiểu dáng và đặc tính kỹ thuật có thể có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào địa điểm và đơn vị sản xuất. Hơn thế nữa chúng còn thay đổi tùy từng thời điểm bởi nguyên liệu hạt nhựa phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thô.
Ngay cả khi thị trường dầu thô thế giới ổn định, để có câu trả lời chính xác cho giá thành của một chiếc túi ni lông dường như cũng là một việc bất khả thi khi mà hạt nhựa nhập từ nước ngoài được tính bằng USD, EURO hay các đơn vị tiền tệ khác. Để tính được mức giá nguyên liệu đầu vào tại một thời điểm thì chúng ta cũng cần phải nắm được tỷ giá ngoại tệ ngay tại thời điểm đó nữa.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng, thị trường hạt nhựa trong một thập kỷ qua có nhiều biến động mạnh, với mức đáy chỉ ở khoảng 870 USD mỗi tấn và mức đỉnh lên tới 2043 USD mỗi tấn LDPE.
Xem thêm: giá hạt nhựa tăng kỷ lục và cách ứng phó của các doanh nghiệp nhựa
Tuy nhiên chúng tôi có một thông tin có thể sẽ hữu ích cho các bạn. Đó là tuy giá thành luôn có nhiều biến động nhưng nhìn chung bao bì nhựa cũng có một mức giá trị trung bình nhất định.
Qua nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy rằng trong nhiều năm gần đây, giá của một chiếc túi ni lông đơn giản nhất, loại trơn phẳng, miệng bằng với chất liệu PE dao động nhiều nhất trong khoảng từ 35,000 đến 40,000 VND mỗi kilogram, chưa bao gồm phí vận chuyển, thuế giá trị gia tăng. Và mức giá này cũng chỉ áp dụng đối với đơn hàng có số lượng từ 1 tấn.
Đối với những loại túi có quy trình sản xuất phức tạp hơn thì giá thành sẽ gia tăng tùy theo mức độ.
Và với việc túi ni lông trong nhiều năm giao động nhiều nhất ở biên độ này, chúng ta có thể tạm coi đây là giá trị thật sự của chúng, và giá trị này hoàn toàn do thị trường quyết định!